Giới thiệu chung về huyện Thường Xuân

Thường Xuân là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Cách Thành phố Thanh Hóa 54km và cách Cảng hàng không Thọ Xuân 15km về phía Tây, có 17 km đường biên giới giáp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Dân số toàn huyện trên 90 nghìn người, trên 21 nghìn hộ, với 48 nghìn người trong độ tuổi có khả năng lao động; Huyện có 17 đơn vị hành chính gồm 16 xã, 01 thị trấn với 140 thôn, bản, khu phố. Cơ bản 03 dân tộc Thái, Kinh, Mường, trong đó người Thái 55%, người Kinh 41%, người Mường 3,2%, còn lại các dân tộc khác, dưới 1%. Là huyện miền núi khó khăn thuộc 62 huyện nghèo của cả nước, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm - nông nghiệp; diện tích tự nhiên rộng 110.717,35 ha (đất lâm nghiệp chiếm 82,2%; đất sản xuất nông nghiệp chiếm 6%); địa hình phức tạp bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, đường sá đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, phát triển chậm, trình độ dân trí chưa cao, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

           

            1. Điều kiện tự nhiên - Tài nguyên thiên nhiên:

- Vị trí địa lý: Thường Xuân là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Cách thành phố Thanh Hóa 54 km về phía Tây. Phía Bắc giáp huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc. Phía Tây giáp huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và 17 km đường biên giới giáp huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn. Phía Nam giáp huyện Như Xuân và Như Thanh.

- Địa hình: Toàn huyện thấp dần từ Tây Bắc và Tây xuống Đông và Nam. Có nhiều dãy núi như Chòm Vịn xã Bát Mọt cao 1.442 m so với mặt nước biển. Địa hình bị chia cắt bởi các sông: Sông Khao, sông Chu, sông Đặt, sông Đằn. Có nhiều đồi bát úp, đất nông nghiệp nhỏ lẻ. Các xã vùng cao chủ yếu là ruộng bậc thang không chủ động tưới tiêu, bị rửa trôi mạnh. Có thể chia địa hình làm 3 vùng như sau:

+ Vùng cao gồm 4 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, có độ cao trung bình từ 500-700m.

+ Vùng giữa gồm 9 xã: Lương Sơn, Tân Thành, Xuân Thắng, Xuân Lộc, Vạn Xuân, Luận Khê, Xuân Cẩm, Luận Thành, Xuân Cao, có độ cao trung bình từ 150-200m.

+ Vùng thấp gồm 3 xã và 1 thị trấn: Ngọc Phụng, Thọ Thanh, Xuân Dương và Thị trấn Thường Xuân, có độ cao trung bình từ 50-150m.

- Khí hậu thủy văn: Tổng nhiệt độ năm 8.000 - 8.6000C, nhiệt độ không khí trung bình 22 - 240C, tối cao nhiệt độ 37 - 400C, tối thấp nhiệt độ 1 - 30C; lượng mưa trung bình năm 1600-2000 mm, phân bố không đều, tập trung 60-80% vào mùa mưa; số ngày mưa trong năm 150-160 ngày; độ ẩm không khí tương đối, trung bình năm 85-86%; Gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió Tây Nam khô, nóng từ tháng 4 đến tháng 7, có ảnh hưởng từ tháng 8 - 9; khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thích hợp cho thực vật sinh trưởng và phát triển.

Sông Đặt, Sông Đằn có tổng chiều dài gần 100 km; có diện tích lưu vực khoảng 55 nghìn ha; tổng lượng dòng chảy lớn khoảng 1.276.488 x 106 m3. Thuỷ văn phân bố không đều, tập trung vào mùa mưa nên thường gây ra lũ quét, sạt lở, xói mòn nghiêm trọng nếu không có độ che phủ.

            - Đất đai: Tổng diện tích tự nhiên: 110.717,35 (ha), trong đó:

            + Diện tích đất nông nghiệp:          99.685,48 (ha);

            + Diện tích đất phi nông nghiệp:      9.551,83 (ha);

            + Diện tích đất chưa sử dụng:           1.480,04 (ha).

                        (Số liệu thống kê đất đai đến 01/01/2016).

Toàn huyện có 3 nhóm đá mẹ chính với 9 loại đá mẹ khác nhau: Nhóm đá Mắc ma a xít và trung tính (đá Gnanit, foophiarit, Riolit, phân bố ở Bát Mọt, Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Yên Nhân, Xuân Thắng, Tân Thành, Xuân Cao, Thọ Thanh); Nhóm đá biến chất (đá mẹ Gnai ở xã Xuân Lẹ, Xuân Chinh); Nhóm đá trầm tích (đá vôi, sa thạch, phiến thạch sét, sa phiến thạch, đá cát, phân bố ở các xã Luận Khê, Luận Thành, Tân Thành, Vạn Xuân, Xuân Cẩm, Xuân Cao, Xuân Chinh, Xuân Lộc, Xuân Thắng, Xuân Lẹ, Yên Nhân, Bát Mọt, Lương Sơn, Thọ Thanh).

Đất gồm các loại nhóm chính sau:

- Đất Feralit màu vàng, nâu vàng phát triển trên đá Mắcma axít.

- Đất Feralit màu vàng phát triển trên đá trầm tích, biến chất.

- Đất Feralit màu vàng  phát triển trên đá vôi.

- Đất Feralit mùn phát triển trên núi cao.

- Đất Feralit phát triển do trồng lúa.

2. Tình hình dân sinh, kinh tế, xã hội:

- Dân sinh: Toàn huyện có 16 xã, 01 thị trấn với 140 thôn, bản, khu phố; 21.066 hộ với 90.126 nhân khẩu, số người trong độ tuổi có khả năng lao động là 48.850 người. Gồm các dân tộc là Thái, Kinh, Mường: Dân tộc Thái chiếm 55% dân số; Dân tộc Kinh chiếm 41% dân số; Dân tộc Mường chiếm 3,2% dân số, còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1%; Tốc độ tăng dân số 8.2 (Số liệu đến 31/12/2016). Dân cư phân bố không đều, tập trung phần lớn ở vùng giữa và vùng thấp; mật độ dân số bình quân là 77 người/km2, trong đó mật độ cao nhất là ở Thị trấn Thường Xuân 1845 người/km2, mật độ dân số trung bình ở vùng nông thôn là 45 người/km2.

- Kinh tế: là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm - nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế chung của tỉnh và cả nước song vẫn ở mức thấp so với mức tăng trưởng của tỉnh và đang từng bước chuyển dịch theo hướng giảm Nông, lâm nghiệp, tăng Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ, thương mại. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 15,6%; Cơ cấu các ngành kinh tế lâm - nông nghiệp và thuỷ sản chiếm 31,3%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 39,2%, Thương mại và dịch vụ chiếm 29,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 đạt 82,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 19,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2015. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 969,7 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2015; Tổng giá trị sản suất công nghiệp - xây dựng đạt 1.209,9 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2015; các ngành dịch vụ đạt 913,9 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2015. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân cơ bản ổn định, tiếp tục được cải thiện.

- Văn hóa xã hội: Đến năm 2016, công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học toàn huyện đạt 63,5%; Phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trẻ em đến trường đạt 98%, hoàn thành mục tiêu phổ cập THCS; có 22 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt 34,4%, nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả; Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đã khai trương 140 thôn, bản có nếp sống văn hóa; có 88 thôn, bản được công nhận đơn vị văn hóa cấp huyện; hơn 70% số hộ gia đình là gia đình văn hóa. Có 4 trạm tiếp phát lại sóng truyền hình, tỷ lệ dân số được xem truyền hình đạt 98%; trang thiết bị của các trạm thu phát lại sóng truyền hình ngày càng được đầu tư, nâng cấp; Tỷ lệ phủ sóng đài phát thanh đạt 100%. Ngành y tế đã chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; xây dựng, triển khai kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm y tế và Trung tâm Dân số - KHHGĐ đã triển khai thực hiện tốt về chương trình tiêm chủng mở rộng, kế hoạch truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình đến nhân dân các thôn bản trong huyện; đến hết năm 2016 có 9/17 xã, thị trấn được công nhận xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế giai đoạn 2. Nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39% năm 2011 xuống còn còn 20,9% hộ nghèo và 17,6% hộ cận nghèo năm 2016 (theo theo tiêu chí đa chiều).

- Lao động: Tổng số người trong độ tuổi lao động là 48.850 người, chiếm 54,2%; trong đó: Lao động nông nghiệp 27.680 người, chiếm 56,7%;  Lao động chưa qua đào tạo chiếm 70%; Lao động ở nông thôn 44.180 người, chiếm 90,4%. Là huyện có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động lớn, tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chính, đa phần là lao động ở nông thôn; lao động nông nghiệp thời vụ. Công tác đào tạo nghề từng bước được quan tâm, đã mở nhiều lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, học nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực; hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giải quyết lao động đi làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Một số chương trình trọng điểm được tích cực triển khai như: Chương trình 135, 134, 159, WB, ReII, Chương trình 30a…. đầu tư chủ yếu vào giao thông, thủy lợi, nước sạch. Hiện nay đã có trạm phát sóng di động (BTS) vùng lòng Hồ Cửa Đặt và các vùng lân cận; Hệ thống giao thông một vài năm trở lại đấy phát triển khá, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã đã được đầu tư mới, đồng bộ. Đường ô tô có 230 km, bao gồm Đường Hồ Chí Minh đi qua huyện dài gần 13 km; Quốc lộ 47 kéo dài (tỉnh lộ 507/519 cũ) đi Cửa khẩu Khẹo - Tà Lấu giữa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) dài 70 km; tuyến đường Bái Thượng - Cửa Đặt dài 12 km; đường liên xã 35 km; tuy nhiên giao thông liên xã và liên thôn còn kém phát triển, gặp nhiều khó khăn đi lại vào mùa mưa. Thuỷ lợi có trên 70 công trình gồm 5 trạm bơm, 25 hồ chưa lớn nhỏ, 24 đập đá xây và 04 đập đá xếp. Mạng lưới điện gồm có 97 trạm biến áp (85 trạm hạ thế, 12 trạm trung thế), 158 km đường dây cáp cao thế, 98 km đường dây, hiện 100% số xã, thị trấn có điện lưới quốc gia.